Vụ việc khởi nguồn từ năm 1989, khi ông Sơn hợp tác với Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân tỉnh An Giang lập Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc Châu Đốc. Sau đó, các bên ký hợp đồng liên doanh thành Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo. Ông Sơn được cử làm giám đốc công ty kiêm giám đốc xí nghiệp.
Hai lần vào tù oan
Tháng 1-1990, Công an tỉnh An Giang có quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Sơn về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".
Theo kết luận điều tra, hình thức hợp tác giữa ông Sơn và Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân tỉnh An Giang là ông Sơn xây dựng xí nghiệp thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh. Mỗi quý, ông có trách nhiệm nộp lại cho Nhà nước 4,5 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, quý đầu ông Sơn đóng tiền đúng quy định, nhưng các quý sau ông không nộp và còn nợ số tiền 13,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, do thiếu vốn mua nguyên liệu cho nhà máy nên ông Sơn đã đến ban chỉ huy vay 5 lượng vàng 24K. Số vàng này được đưa vào doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc, nhưng sau đó vẫn chưa thanh toán lại. Cơ quan điều tra cho rằng ngoài số nợ trên, ông Sơn còn lợi dụng lòng tin vay nợ một số nơi khác mà không trả.
Tuy nhiên, sau 5 tháng tạm giam mà không chứng minh được hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và trả tự do cho ông Sơn.
Trong 5 tháng bị bắt giam, hàng hóa, nhà xưởng công ty bị tịch thu, khi ông ra tù thì cơ nghiệp không còn. Ông Sơn kiện Công an tỉnh An Giang để đòi lại tài sản. Ngày 14-11-1990, khi đang ở tòa án lo thủ tục vụ kiện, ông Sơn bị Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam lần thứ 2 về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".
Sau đó, Viện KSND tỉnh An Giang chuyển đổi tội danh sang "trốn thuế".
Theo cáo trạng, ông Sơn nhận mua và nhập 13 xe du lịch. Số hàng này do ông Sơn trực tiếp đứng tên trên tờ khai nhập hàng phi mậu dịch với Hải quan An Giang. Tổng số thuế phải nộp là 54 triệu đồng, nhưng bán xe xong ông Sơn không nộp, dù Sở Tài chính và Hải quan tỉnh An Giang đã gửi giấy báo nợ nhiều lần.
Tại cơ quan điều tra, ông Sơn cho rằng việc ông chưa nộp tiền thuế là do xí nghiệp thức ăn gia súc chuyển tên sang công ty và có kinh doanh thêm một số hàng hóa khác, ban giám đốc công ty vẫn chưa thống nhất để cá nhân nào chịu trách nhiệm nộp số tiền thuế này, nên có sự chậm trễ.
Sau một năm tạm giam nhưng vẫn không chứng minh được hành vi phạm tội, tháng 11-1991 Viện KSND tỉnh An Giang phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can và trả tự do cho ông Sơn.
30 năm vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường
Là nạn nhân của hai vụ án hình sự oan sai, nhưng 30 năm trôi qua kể từ ngày bị bắt giam oan, ông Sơn vẫn chưa được các cơ quan tố tụng tỉnh An Giang minh oan và khôi phục danh dự. Hàng trăm lá đơn đã được ông gửi đến các cơ quan trung ương và địa phương nhưng đều không có câu trả lời.
Sau khi ra tù, ông Sơn nộp đơn khởi kiện Công an tỉnh An Giang ra TAND tỉnh An Giang để đòi lại tài sản, gồm giá trị xí nghiệp thức ăn gia súc do ông bỏ vốn đầu tư với tổng giá trị 30 lượng vàng và 217 triệu đồng; trả lại cho ông vốn đầu tư 1,2 tỉ đồng và bồi thường giá trị xuất khẩu theo hợp đồng bị thiệt hại là 3,3 triệu USD.
Điều đáng nói là ông khởi kiện từ năm 1991, nhưng tận 10 năm sau TAND tỉnh An Giang mới đưa vụ án ra xét xử. Từ khi phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra đến nay đã 20 năm, nhưng vụ án lại quay về vạch xuất phát.
Lý do là năm 2001 TAND tỉnh An Giang bác yêu cầu khởi kiện của ông Sơn vì cho rằng đơn khởi kiện của ông không có căn cứ. Bản án này sau đó bị TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo tòa án cấp phúc thẩm, việc ông Sơn yêu cầu Công an tỉnh An Giang phải bồi thường các thiệt hại về tài sản sau khi ông bị bắt là hoàn toàn có căn cứ.
Năm 2005, TAND tỉnh An Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 và tiếp tục bác đơn khởi kiện của ông Sơn. Tuy nhiên, bản án này lại bị cấp phúc thẩm tuyên hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng.
Khi thụ lý sơ thẩm lại lần 3, TAND tỉnh An Giang đã đình chỉ vụ án. Cuối năm 2019, ông Sơn nộp hồ sơ khởi kiện lại vụ án đòi tài sản đến TAND tỉnh An Giang, đến nay đã hơn nửa năm nhưng vụ kiện vẫn chưa được tòa thụ lý.
Nguồn: Tuổi trẻ Online